top of page
gold_render_edited.png
Ảnh của tác giảTom Goedhart

Quần jeans xanh đậm: Sự lựa chọn tối ưu cho phong cách

Tôi có khoảng 7-8 chiếc quần jeans trơn màu xanh đậm (indigo jeans) với các fit, kiểu dáng khác nhau. Tất cả là tại sở thích, đam mê hay còn gọi là… bệnh nghiện raw denim.


Tôi thích được chứng kiến chiếc quần của mình ngả màu từ đậm xanh nhạt, fade dần tự nhiên nhưng cùng lúc đó, vẫn muốn lưu giữ cái màu xanh indigo huyền thoại. Thế nên quần đang mặc chưa kịp phai, tôi đã nghĩ ngay đến việc phải mua một chiếc quần mới để “bảo tồn” thứ màu xanh ấy 😆. Đây chính là lý do vì sao tôi có nhiều quần jeans màu xanh đậm, na ná nhau đến vậy.

Jeans màu xanh đậm, tối màu có thể phối cùng rất nhiều trang phục, outfit, nhiều hoàn cảnh, điều kiện thời tiết khác nhau. Quần chinos hay corduroy cũng đa năng thật đấy nhưng với tôi, chúng không phải là những thứ có thể mặc liên tục 4 mùa.


Nếu bạn chưa biết hoặc vẫn còn hoài nghi về sự linh hoạt tuyệt đối của jeans xanh đậm, qua bài viết, mong bạn sẽ có một cái nhìn khác 🤓.

Với một chiếc quần jeans xanh đậm, bạn có thể nhanh chóng dress up (ăn mặc lịch sự) và dress down (ăn mặc kiểu casual thường nhật). Tôi vẫn ví quần jeans trơn xanh đậm giống như một chiếc quần tây màu xanh navy, trơn tru và dễ dàng phối cùng các thể loại áo khoác blazer, bên dưới đi loafers hoặc sneakers nữa là miễn bàn. Bỏ cái “lốt” quần tây đi, màu xanh đậm/xanh indigo vốn là “huyền thoại” của phong cách casual, muốn kết hợp cùng cái gì chẳng được…


Để đảm bảo tính linh hoạt, bạn cần chọn quần màu xanh đậm trơn nguyên bản, không mài, không vết xước/rách, không thêm bất cứ chi tiết cầu kỳ, quá đà nào cả. Đơn giản là một chiếc quần jeans cơ bản nhất với 5 túi (5-pockets), hết.

Tiếp đến là kiểu dáng, fit. Các kiểu quần ống loe, ống vẩy, quá rộng hoặc quá bó sẽ nằm ngoài phạm vi của bài viết này, bởi chúng ta đang hướng đến tính đa năng và linh hoạt trong việc phối đồ. Lựa chọn sáng suốt nhất bao giờ cũng là dáng quần slim, ống đứng (straight) hoặc là dáng quần lai giữa 2 loại này, gọi là Slim straight với độ ôm vừa phải, thoải mái trong cử động.


Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản là bạn chỉ cần đi tìm quần có chữ “Slim” hay “Straight”, mặc lên là có ngay hiệu ứng “Slim Straight” như trong “sách giáo khoa”. Mỗi người lại sở hữu hình thể, tỉ lệ khác nhau nên phải thử vào mới biết được. Cùng một dáng quần nhưng 2 người mặc có thể cho ra 2 fit khác nhau là điều hết sức bình thường. Ví dụ với người đùi to, đôi khi mặc quần dáng Regular lại trở thành Slim, rồi đừng quên với quần jeans bạn có thể mặc lên xuống 1 size để tìm ra fit phù hợp nhất nhé!


Tiếp đến là một vấn đề khá gây tranh cãi: quần jeans có nên co giãn?

Nếu bạn hỏi tôi, câu trả lời sẽ là không. Chỉ là sở thích cá nhân thôi, kiểu tôi muốn mấy chiếc quần phải “tinh khiết”, tự nhiên ấy mà. Nhưng tôi cũng có 2-3 chiếc quần có pha sợi co giãn và phải công nhận mặc chúng thực sự thoải mái. Chất liệu co giãn phổ biến nhất cho quần jeans là sợi tổng hợp Elastane, tỉ lệ pha lý tưởng giữa Cotton và Elestane là 99% – 1%, 98% – 2 % hoặc 97% – 3%, quá nhiều sợi tổng hợp sẽ khiến tính chất tự nhiên của vải denim mất đi, quần jeans mặc lên phải có tí thô ráp mới là quần jeans chứ!


Đồ denim tối màu nói chung và quần jeans nói riêng, tốt nhất là… giặt in ít thôi, nhất là với đám quần raw, chúng ta cần bảo toàn cái màu xanh đẹp đẽ ấy càng lâu càng tốt!

Cuối cùng là một số thương hiệu có quần jeans xanh đậm uy tín bạn có thể cân nhắc.


Đầu bảng về chất lượng so với tầm giá, khó có thể thoát khỏi Uniqlo, tiếp theo là Levi’s dáng 531 cũng rất tinh tế, Unbranded có giá tốt cho những ai muốn tập tành với raw denim, A.P.C. Petit New Standard – dáng quần cực kỳ linh hoạt, vừa lòng cả tiêu chí ăn mặc lịch sự lẫn thoải mái. Bạn còn brand ưng ý nào nữa không? Cho tôi biết với nhé!


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page