top of page
gold_render_edited.png
Ảnh của tác giảTom Goedhart

Các kiểu wash của quần jeans

Với một khởi điểm khiêm tốn từ trang phục bảo hộ lao động, denim vươn lên trở thành loại chất liệu thiết yếu, “phải có” đối với bất cứ ai. Trang phục denim nói chung và quần jeans nói riêng toát lên vẻ bụi bặm, “gồ ghề” nhưng cũng có thể rất sang trọng và tinh tế, tùy vào thiết kế, fit hay cách mà bạn “đối xử” với chúng.


Và quá trình xử lý/wash vải denim cũng góp phần tạo nên sự đa dạng, cá tính và dấu ấn riêng cho người mặc. Bạn sẽ chọn cách wash nào dưới đây?


Màu nguyên bản/Raw denim

Raw denim chính xác là: vải denim sau khi nhuộm xong không trải qua bất cứ sự can thiệp nào khác. Thế nên tình yêu của những con nghiện raw denim dành cho kiểu quần này cũng thật sự tinh khiết! Đừng trông chờ vào một chiếc quần mềm mại, dịu dàng với bạn ngay từ những lần đầu, bởi để ra được dáng fit với cặp chân, tính cá nhân kèm sự thoải mái, bạn phải trải qua cả một quá trình gắn bó cùng chiếc quần raw denim.

Các bước “chuyển mình” của quần raw jeans (từ trên xuống dưới).

Raw denim thường có màu xanh indigo, màu nhuộm nguyên bản. Cũng có cả màu đen nữa, nhưng không nhiều. Sau vài lần giặt, màu xanh indigo này sẽ phai dần, tạo nên màu wash không thể trùng lặp cho dù đó có là 2 chiếc quần giống y hệt nhau đi chăng nữa.


Stone wash

Màu mài quần đặc trưng của những rocker thập niên 80 ở thế kỷ trước, rồi lan rộng trở thành một lựa chọn phổ biến của quần jeans đại chúng. Stone wash jeans là thái cực đối lập với quần jeans dùng vải raw denim được nhắc đến ở trên, với tông màu xanh nhạt dịu mắt hơn.

Hiệu ứng mài này được tạo ra ở bước giặt quần cùng với đá bọt (pumice stones), gột bỏ màu nhuộm xanh indigo nguyên bản. Điều có thể xem là “lợi thế” của Stone wash jeans là so với raw denim, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian để tiến tới bước fade ngay lập tức nhưng xét về khía cạnh môi trường thì khâu giặt công nghiệp trong sản xuất này tốn nước kinh khủng khiếp.


Acid wash

Gắn liền với thời kỳ nổi loạn của văn hóa Punk những năm 1970, quần jeans acid wash còn tạo hiệu ứng tương phản mạnh mẽ hơn cả stone wash. Quần jeans được ngâm vào các loại hóa chất mang tính kiềm để phá hủy” kết cấu màu sắc, một tín đồ punk sẽ tự làm từ a-z. Còn ngày nay hiệu ứng acid wash có thể được xử lý bằng tia laser trong sản xuất, ít gây hại đến môi trường hơn.

Acid wash jeans thích hợp hơn cả trong phong cách streetwear phóng khoáng, trẻ trung chứ rất khó để tìm đường hòa hợp cùng những trang phục mang tinh thần nhẹ nhàng, lịch lãm.


Rinse wash/Dark wash

Rinse wash là bước giặt nhẹ sau thành phẩm raw denim, đây cũng là cách xử lý nhanh gọn, đơn giản và ít tốn nước nhất trong các loại wash. Quần jeans sẽ trải qua một bước giặt cực ngắn, đủ để rũ bỏ lớp màu nhuộm thừa và để làm mềm sợi vải. Kết quả là màu quần gần như giữ được sắc độ nguyên bản.

Quần jeans tông màu càng đậm thì càng linh hoạt trong phối đồ, vậy nên cứ tận dụng triệt để những kiểu quần với fit cổ điển như straight-fit, slim-fit, slim-tapered để mặc đi làm hay đi chơi, tùy vào mong muốn hay tâm trạng của bạn.


Distressed/Ripped/Jeans rách

Đó, như tên gọi thôi, đây vốn là những chiếc quần jeans rách nát vì bị chủ nhân “bóc lột” đến mức cùng cực. Còn ngày nay, một khi đã trở thành trend, xu hướng, bạn còn phải trả tiền để vác về nhà những chiếc quần với vết rách, vết thủng có sẵn.

Tăng thêm vẻ phong trần nhưng quần jeans rách có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu bạn áp dụng không đúng cách. Quần jeans rách chỉ thích hợp với trang phục casual, phong cách bụi bặm nên bạn cần hết sức cân nhắc trước khi mặc. Bạn sẽ mặc để gặp ai, trong môi trường thế nào và tính chất của cuộc gặp gỡ đó?


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page