top of page
gold_render_edited.png
Ảnh của tác giảTom Goedhart

Khi Màu Sắc Kể Chuyện

Chất liệu, fit và màu sắc, đây là 3 yếu tố theo tôi là tối quan trọng để đánh giá chất lượng của trang phục. Trong đó, màu sắc là thứ đầu tiên đập vào mắt bạn, rồi mới có cảm nhận kỹ hơn về hai thứ còn lại.


Sử dụng màu sắc trong trang phục hàng ngày có thể vừa đơn giản, vừa phức tạp, điều đó tùy thuộc ở bạn. Hôm nay chúng ta bàn về màu sắc, ở phương diện “màu sắc là ngôn ngữ”, giống như có ngôn ngữ nói, viết, hình thể, v.v… Một khi bạn đã muốn, màu sắc sẽ là công cụ để bạn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, thái độ theo kiểu nhẹ nhàng, tinh tế cũng có, mà ồn ào, nhức nhối cũng có luôn…


Màu sắc và văn hóa

Cách sử dụng màu sắc trên trang phục, qua lăng kính văn hóa thực sự là những điều bổ ích để bạn đào sâu hơn nữa cho câu hỏi “vì sao?”.


Ví dụ như rất nhiều quy tắc về suit, đồ may đo cho nam giới bắt nguồn từ đầu thế kỷ 20 tại nước Anh và ở giai đoạn này, các quý ông người Anh phân chia rất rõ ràng chuyện ăn mặc ở thành phố và nông thôn. Các ngày trong tuần, ở London thành thị sầm uất, hình ảnh các quý ông diện suit trơn màu tối – thường là xanh navy và xám với sơ mi trắng, tie tối màu cùng giày Oxford đen nhiều nhan nhản. Đây được đóng khung cho hình mẫu trang phục đi làm. Còn khi trở về nhà ở vùng quê, họ lại có nhiều hoạt động giải trí như săn bắn, thể thao ngoài trời nên những chiếc áo khoác dạ tweed, sơ mi họa tiết kẻ tattersall hay giày Derby trong tông màu nâu là lựa chọn thoải mái hơn cả. Trang phục phân chia rõ ràng theo thời gian, hoàn cảnh nên xưa mới có câu “No brown in town” (không mặc đồ nâu trong thành phố) như một vạch ranh giới rõ ràng.

Và hầu hết mọi trang phục trong tủ đồ của bạn đều có câu chuyện về lịch sử, văn hóa. Vì sao áo khoác da biker đen phối với quần jeans xanh lại hợp đến thế? Đó là từ phong trào nổi loạn của các biker, rocker vào giữa thế kỷ 20. Hay như combo sơ mi oxford trắng/xanh nhạt phối cùng blazer xanh navy, chinos màu beige mang tính nhận diện vô cùng mạnh mẽ cho phong cách Preppy/Ivy league.


Có những cách kết hợp màu sắc với câu chuyện, văn hóa đằng sau và nếu muốn hiểu cách sử dụng, bước đầu tiên không gì hơn là tìm tòi ý nghĩa, văn hóa xuất phát điểm của chúng. Hiểu được câu hỏi “vì sao”, thông điệp màu sắc từ trang phục của bạn chắc chắn sẽ có nhiều ý nghĩa, lớp lang hơn.

Màu sắc và cảm xúc

Đây là sự thật rõ ràng nhất về màu sắc mà ai cũng biết. Với tôi, người biết cách vận dụng màu sắc, biến nó trở thành dấu ấn cá nhân mạnh mẽ nhất là NTK Yohji Yamamoto, và cụ thể ở đây là màu đen. Màu sắc vốn là của chung nhưng Yohji rất khéo léo truyền tải cảm xúc cá nhân vào nó, biến sắc đen trở thành dấu ấn đại diện cho chính ông và thương hiệu riêng. Yohji Yamamoto nổi tiếng bởi những chiêu ứng dụng sắc đen xuyên suốt quá trình phát trển.


Màu đen khiêm tốn và cao ngạo trong cùng một lúc. Màu đen lười biếng và dễ dàng, nhưng lại vô cùng bí ẩn. Trên tất cả, thông điệp của màu đen là: “Tôi không làm phiền anh, nên đừng làm phiền tôi”.” Yohji Yamamoto

Hầu như mọi màu sắc đều mang trong mình sức mạnh cảm xúc. Những tháng Hè nóng nực với ánh nắng thiêu đốt, bạn sẽ có cảm giác dễ chịu hơn với tông màu sáng, nhìn bảng màu pastel mà thấy rạo rực hơn bao giờ hết. Ngược lại, không khí lạnh lẽo, buốt giá của mùa Đông lại khiến cảm xúc muốn được chiều chuộng bởi tông màu tối như đen, xám, than chì, v.v…


Ngôn ngữ thị giác của màu sắc

Khi bạn xịt một loại nước hoa thường xuyên, mùi hương đó sẽ được khứu giác và não bộ ghi nhớ, trở thành thứ mùi quen thuộc và bạn gần như không cảm nhận được nó một cách rõ ràng như lúc mới mua về nữa. Nhưng người khác thì không. Chính cái tâm lý “mơ hồ” về sự đủ đầy khiến bạn xịt thêm vài nhát nữa, bạn-với-mùi-hương-sực-nức trở thành đòn tra tấn những người đứng chung thang máy mỗi buổi sáng.

Màu sắc cũng vậy thôi, bạn cần tiết chế lại để thứ ngôn ngữ từ trang phục phát ra thật hài hòa, dễ chịu với những người bạn gặp, những nơi bạn ghé qua.


Cách dễ dàng nhất để kết hợp một màu sắc “bất thường” đó là chọn tông màu trung tính là tông sắc chủ yếu trên trang phục. Sơ mi dễ mặc hơn khi chúng có màu trắng hoặc xanh nhạt; áo khoác xanh navy, xám đậm hoặc xanh olive; quần jeans màu đen, trắng, xanh indio; quần tây xám hoặc beige; giày đen, nâu, sneakers trắng. Đây là những tông màu dễ dàng kết hợp cùng nhau, tạo nên rất nhiều lựa chọn, ứng dụng riêng biệt.

Overcoat cam thì cũng thú vị đấy, nhưng nếu là chiếc overcoat đầu tiên thì đừng chọn màu này!

Đến đây bạn có thể xem xét để thêm vào một (chỉ nên một mà thôi) màu sắc được coi là “bất thường” vào lớp nền vững chắc ở trên. Áo len màu cam cháy hay xanh mint, khăn quàng màu đỏ hay overcoat màu cam cũng có thể trở thành điểm nhấn bắt mắt. À, overcoat cam thì cũng thú vị đấy, nhưng nếu là chiếc overcoat đầu tiên thì đừng chọn màu này.

Cùng là tông màu đen nhưng kết hợp chất liệu khác nhau sẽ khiến outfit tưởng như đơn sắc có chiều sâu hơn.

Một yếu tố quan trọng nữa là sự tương phản. Trang phục có độ tương phản màu sắc sẽ bắt mắt, có chiều sâu hơn. Và sự tương phản không chỉ đến từ cách kết hợp các màu sắc khác nhau, mà còn đến từ hiệu ứng bề mặt, đồ bóng, độ mờ, độ rủ của chất liệu. Áo khoác da, áo len, quần jeans, giày da đều mang một màu đen nhưng vẫn có độ tương phản mang chiều sâu nhờ vào cách các chất liệu khác nhau.

Sau cùng thì chỉ có một luật lệ duy nhất tồn tại: Nếu nó đúng, thì là… nó đúng. Hãy nghĩ đến màu sắc qua góc độ ngôn ngữ văn hóa, cảm xúc và quy tắc kết hợp, và phần nhiều, hãy để cá tính và sở thích của bạn quyết định mình nên mặc màu gì.


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page