Hiếm ai có thể dừng lại ở duy nhất một chiếc đồng hồ. Chẳng biết từ khi nào, cục kim loại nho nhỏ nằm gọn trên cổ tay ấy vượt ngoài biên giới dụng cụ xem giờ và biến thành một món đồ trang sức với vô vàn kiểu dáng, thiết kế. Trời ơi, nó nhiêu khê chẳng kém gì bộ môn túi tắm, dép guốc của chị em 🥹. Budget của bạn cao hay thấp, luôn có lựa chọn để đáp ứng. Có người tự thưởng cho mình đồng hồ mới sau những cột mốc đáng nhớ trong cuộc sống, sự nghiệp và có những kẻ trở thành thợ săn vintage.
Tôi chẳng phải một tay chơi đồng hồ thuần chất, hiểu rõ cách vận hành của từng con ốc, cái bánh răng nhưng kể ra một ngày mà thiếu nó trên tay, cảm giác “trần truồng” ra phết đấy.
Sau một thời gian lần mò với mảng đồng hồ vintage, chắc đây là lúc tôi nên viết ra những kinh nghiệm mình có được, để chia sẻ với bạn đọc và cũng để lưu lại như một cột mốc của riêng tôi với những cỗ máy nhỏ bé này.
Như thế nào thì gọi là đồng hồ vintage?
Thực sự thì đây là thứ khái niệm mơ hồ và quái đản 😀. Xác định một chiếc đồng hồ đạt chuẩn vintage, ngoài mốc thời gian 20-30 năm tuổi còn phụ thuộc vào thương hiệu và dòng sản phẩm. Có những chiếc đồng hồ gọi là vintage mặc dù nằm im lìm trong hộp, nguyên đai nguyên kiện suốt mấy chục năm. Và giá cho những trường hợp này thường không rẻ chút nào. Nhưng cứ tạm hiểu đồng hồ vintage là khi bạn mua, chúng không còn mới nữa.
Đồng hồ vintage – nói chung là ưa nhìn và dễ đeo
Thiết kế của đồng hồ vintage thường nhã nhặn và đơn giản, để ăn khớp với trang phục cổ điển. Nó trái ngược hoàn toàn với các trào lưu mặt to bản, ngoại cỡ của đồng hồ thời hiện đại. Đặc biệt là với cổ tay nhỏ của người Việt Nam và châu Á nói chung, những chiếc đồng hồ đường kính 46-47mm có thể biến thành “cục gạch” ngay lập tức.
Đồng hồ vintage trở thành điểm nhấn nhẹ nhàng trên cổ tay với độ mỏng tinh tế. Và một chiếc đồng hồ với tỉ lệ không “nuốt” tay sẽ trở nên đa dụng hơn là bạn tưởng, từ đây bạn có thể kết hợp với nhiều kiểu trang phục, từ casual cho đến formal mà không sợ chênh phô.
Chỉ cần thay dây, mọi thứ sẽ khác
Tôi thấy bộ dây có sẵn trên đồng hồ vintage không hợp mắt, một phần vì chúng thường cũ sờn và trầy tróc nhiều. Vậy nên việc đầu tiên phải làm khi tậu về một em đồng hồ vintage là thay dây. Thật đấy, đồng hồ cũ mà được khoác lên một bộ dây mới, cảm giác nó khác bọt lắm.
Nói về chỗ thay dây thì rất nên ghé qua Hoa Sa, mấy chiếc đồng hồ của tôi cứ lấy về là sẽ mang thằng ra đây để “thay áo”.
Tôi thửa chiếc Omega De Ville dáng tank này từ một người bán ở tận trong Đà Nẵng. Đây là kiểu đồng hồ cơ cót tay cũ kĩ, sản xuất trong khoảng từ năm 1972 – 1975. Chủ cũ của em này cao to, đậm người nên bộ dây đối với tôi không hợp lý cho lắm.
Tôi thay thế bằng một bộ dây da kỳ đà màu đen thanh mảnh hơn.
Mặc t-shirt hay suit, chiếc đồng hồ này vẫn có thể trở thành điểm nhấn đặc biệt.
Oris 7474 dáng tank năm 2004 với dây kim loại nguyên bản.
Đổi thành dây da xanh navy chỉ trần màu trắng lại vào việc luôn!
Hoa Sa hay là hoa mắt vì có quá nhiều lựa chọn về chất liệu và màu sắc…
Nhiều lúc bạn sẽ vớ được những món giá rẻ giật mình so với chất lượng
Điều này sẽ khó mà xảy ra với những cái tên sừng sỏ. Nhưng đồng hồ Thụy Sĩ ngon bổ rẻ lại chẳng phải là của hiếm. Chịu khó mày mò ở các hội nhóm, các trang chuyên về đồng hồ vintage, rất dễ để vớ được một vài chiếc đồng hồ Thụy Sĩ chất lượng cao đến từ những thương hiệu có thể bây giờ… chẳng còn tồn tại nữa. Và cái giá “x” triệu đồng, “x” học sinh tiểu học quá là hợp lý đi.
Dịp tốt để tích lũy kiến thức
Nhất là khi bạn muốn săn những “con khủng long” Rolex, Omega, v.v… Bạn cần có hiểu biết sâu về lịch sử các đời đồng hồ trước khi xuống tiền, bởi nguy cơ hàng nhái, hàng độ trên thị trường là cực lớn.
Kiến thức khiến cuộc chơi trở nên thú vị hơn bao giờ hết, có thể chẳng phải để mua ngay đâu, nhưng làm câu chuyện xung quanh cốc cafe với bạn bè cũng khoái ra phết đấy. Ví dụ như trong khoảng năm này, Omega áp dụng thiết kế mặt nào, màu nào cho dòng Seamasters? Nắm rõ được chi tiết như thế, bạn sẽ tránh được các loại đồng hồ “độ” lại mặt, cứu sống cho ví tiền của mình.
Comentários