Nhờ internet và mạng xã hội, thế kỷ 21 đã mở ra một thời đại mới cho ngành công nghiệp đồng hồ, chưa bao giờ việc tiếp cận thông tin lại dễ dàng đến thế. Bạn có thể ngồi một chỗ để nghe/xem những tay chơi nghiệp dư, chuyên nghiệp, dealer, nhà sưu tầm, người đam mê, thậm chí là tiktoker (watchtok) trên khắp thế giới thao thao bất tuyệt về đồng hồ với một lượng thông tin khổng lồ!
Nhiều thông tin sẽ gắn liền với sự rối rắm và sai lệch, đó là điều không thể tránh khỏi. Nhân một ngày chớm Đông dịu dàng, chúng ta cùng nhau “vạch trần” sự thật cho một vài fact “nhức nhối” nhé!
Đồng hồ xa xỉ luôn là một khoản đầu tư sinh lời
Buồn thay là không phải vậy. Giống như một chiếc xe mới, giá trị của chúng bị rớt ngay lập tức khi xe lăn bánh ra khỏi cửa hàng. Tất nhiên có những chiếc đồng hồ thực sự là một món đầu tư xứng đáng khi giá trị tăng vọt sau mỗi năm, chủ yếu là từ Rolex và Patek Phillippe, nhưng thật khó để đoán định. Vậy nên, hãy cứ mua vì sở thích. Nếu chiếc đồng hồ của bạn bỗng được săn đón và trở thành “ông hoàng” trên thị trường đồng hồ cũ thì xin chúc mừng!
Chạy theo trào lưu
Đồng hồ cũng như quần áo, trang phục, mọi xu hướng, trào lưu đều mờ dần theo thời gian. Sẽ có lúc bạn phải cảm thấy hối hận với con đồng hồ mặt xanh lá cây, vàng cam chói lọi hay những chiếc đồng hồ mặt to tổ chảng, như vác tạ trên cổ tay chỉ vì thần tượng của bạn đang đeo một chiếc như thế. Tham khảo những gì người khác đang đeo là tốt nhưng cần biết chọn lọc khi ứng dụng vào bản thân.
Như thế này là bị đồng hồ đeo rồi đúng không? Quá to so với kích thước cổ tay.
“Swiss-made” nghĩa là tất tần tật đều làm từ Thụy Sĩ
Swiss Made – Sản xuất tại Thụy Sĩ. Cụm từ này giống như một niềm kiêu hãnh khi nó bảo chứng và tạo niềm tin tuyệt đối về chất lượng. Nhưng khi nói đến đồng hồ, “Swiss Made” không có nghĩa 100% sản xuất ở Thụy Sĩ.
Quy chuẩn ở đây, ít nhất 60% chi phí sản xuất ở Thụy Sĩ và 50% bước sản xuất thiết yếu phải được thực hiện tại đây. Điều đó có nghĩa, 40% và 50% tương ứng còn lại có thể được thực hiện ở bất kỳ đâu trên thế giới. Những bộ phận quan trọng trên chiếc đồng hồ ‘Thụy Sĩ’ của bạn có thể đến từ một nơi khác, chẳng hạn như “anh hàng xóm”…
Đồng hồ xa xỉ đều làm thủ công hoàn toàn
Không đâu. Khi công nghệ cắt CNC có thể chạy cả ngày, tạo ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bộ phận tạo của chiếc đồng hồ. Mọi thứ từ vỏ, bánh răng, ốc vít đến mặt đồng hồ đều được chế tạo theo cách này, và sai số đến từ máy móc và công nghệ là cực thấp, bàn tay và đôi mắt nào của con người không thể sánh bằng.
Tuy nhiên, cho đến nay (trừ bộ máy tự động từ nhựa Sistem 51 của Swatch), các chuyển động cơ học vẫn phải được hoàn thiện và thổi sức sống bởi bàn tay lành nghề của những người thợ. Vì vậy, công nghệ chế tác đồng hồ xét trên góc độ đó, có thể gọi là ‘thủ công’. Nhưng không hoàn toàn nhé.
Đồng hồ cơ khi không đeo thường xuyên sẽ bền hơn, chạy chính xác hơn
Như bất cứ loại máy móc nào khác, đồng hồ sinh ra là để chạy. Vậy nên ngay cả khi nằm nguyên một chỗ thì các bộ phận trong đó hoàn toàn có khả năng bị kẹt máy. Sự suy giảm về lượng dầu bôi trơn, dù là rất nhỏ thôi nhưng cũng là thủ phạm chính, bên cạnh đó còn là điều kiện không khí, độ ẩm xung quanh gây ra hiện tượng oxy hóa các bộ phận chuyển động, mặt số và kim.
Thật ra quá trình này không đến quá nhanh, cũng phải mất một thời gian. Đồng hồ không dễ bị hư hỏng do không được sử dụng thường xuyên như ô tô hoặc xe máy, nhưng đã có đồng hồ là phải đeo thường xuyên chứ?!
Đeo đồng hồ chống nước khi tắm cũng không sao
Chắc chắn là không sao, nhưng không nên “tra tấn” chiếc đồng hồ như vậy. Các nhà sản xuất kiểm tra khả năng chống nước trong điều kiện tĩnh và nhiệt độ mát mẻ, trong khi bạn định mang đồng hồ dưới vòi sen xả mạnh kèm nước nóng. Sự kết hợp giữa nhiệt và áp suất nước có thể dễ dàng vượt quá ba bar – tương đương với việc nhấn chìm chiếc đồng hồ chống nước của bạn ở độ sâu quá 30m. Chưa kể xà phòng và dầu gội cũng có thể gây hư hại cho các miếng đệm cao su nữa.
Comentários