Không có (hoặc rất ít) đàn ông mặc váy nên chiếc quần trở thành một phần tất yếu trên trang phục của chúng ta. Không mặc quần thì chỉ có nước cởi truồng!
Rất nhiều người quanh năm suốt thoáng xoay quanh quần jeans cho dịp ngày thường và quần tây (dress pants) khi đi làm hay những dịp đòi hỏi vẻ ngoài lịch sự. Nhưng đó giống như hai đầu cực của phong cách casual và formal, ở giữa chúng còn đa dạng các kiểu quần khác nhau nữa.
Cùng tôi điểm tên các thể loại quần phổ biến nhất và các dịp phù hợp để diện chúng. Và chỉ có quần dài thôi vì tôi không thích quần shorts…
Jeans
Dù ở bất cứ đâu, jeans luôn nhận được cái gật đầu từ số đông. Tính linh hoạt, bền bỉ và thiết kế vượt thời gian khiến quần jeans trở thành món đồ phải có với bất cứ chàng trai nào. Từ dáng straight cổ điển cho đến skinny hiện đại, jeans tồn tại ở rất nhiều hình thái, kiểu dáng để phù hợp với nhiều hình thể, phong cách và sở thích cá nhân.
Với jeans, màu xanh indigo đậm thích hợp cho rất nhiều dịp, kể cả là dress-up bảnh bao. Jeans mài nhẹ dành cho phong cách thuần casual. Jeans rách, mài sờn tạo điểm nhấn thể hiện cá tính, thậm chí là nổi loạn của tuổi trẻ.
Joggers
2 năm dịch bệnh bất ngờ cùng sự phổ biến của phong cách Athleisure (phong cách thể thao ứng dụng hàng ngày), quần joggers được dịp làm vương, làm tướng. Kiểu quần này là phiên bản nâng cấp mang tính thời trang từ quần nỉ thể thao – sweatpants.
Tôi nghĩ quần joggers không có viền bo ống (cuff) sẽ đa dụng hơn.
Chất liệu co giãn, cạp quần chun tiện lợi, joggers rất được lòng những chàng trai năng động, ưa dịch chuyển.
Corduroy (nhung tăm)
Xưa chất liệu corduroy trên cả áo và quần hay bị gán cho cái tiếng là “già”, ở cả ta lẫn tây. Thời nay thì khác, chẳng ai lại bỏ phí thứ chất liệu mang đến sự thoải mái ở cảm giác và đặc biệt ở cảm quan như corduroy cả. Và không chỉ loanh quanh mỗi tông màu nâu, màu đất truyền thống, corduroy khả thi ở rất nhiều tông màu, kể cả là những gam màu chói lọi.
Với phong cách casual, quần corduroy có thể kết hợp cùng t-shirt và sneakers và khi muốn nghiêm túc hơn một chút, chiếc quần này hoàn toàn có thể phối với sơ mi, khoác ngoài là blazer để đạt đến độ thanh lịch vừa đủ.
Cargo – Quần túi hộp
Chi tiết rõ ràng nhất để nhận ra quần cargo chính là những chiếc túi với kích thước lớn, kèm theo đó là chất vải dày dặn. Quần cargo ban đầu chủ đích thiết kế cho quân đội, nhưng rồi chúng cũng tìm được cách để đến với trang phục thường ngày của nam giới.
Quần cargo hiện đại sẽ có thiết kế gọn gàng hơn, chắc chắn không thể thiếu những chiếc túi ở nhiều vị trí khác nhau.
Drawstring
Khi bạn muốn đề cao sự thoải mái, nhưng lại không thích thỏa hiệp với tính thẩm mỹ thì đây chính là chiếc quần dành cho bạn. Với phần cạp co giãn cùng chi tiết dây rút vừa tiện ích, vừa là điểm nhấn đặc trưng, quần drawstring giống như một chiếc quần tây lai với joggers, lịch sự và thoải mái trong vùng an toàn.
Chinos
Tôi đặt quần chinos ở đây vì muốn nhấn mạnh vai trò to lớn của chiếc quần này: gạch nối hoàn hảo giữa phong cách casual và formal. Quần chinos điển hình sẽ có chất liệu cotton dệt lóng chéo (cotton twill), màu sắc phổ biến nhất là beige, nâu, navy, xám. Những yếu tố trên biến quần chinos thực sự trở thành lựa chọn hàng đầu mỗi khi lựa chọn trang phục. Đến một kẻ mê jeans như tôi, nhiều lúc cũng thấy “thèm muốn” chinos hơn.
Biến đổi phong cách là chuyện quá dễ với chinos, đang là t-shirt và giày sneakers đi dạo phố và nhận một cái hẹn đột xuất, tạt về nhà thay áo sơ mi, sơ vin cẩn thận và chọn lại một đôi giày derby thôi là đã có được vẻ lịch sự “ăn liền” rồi.
Quần tây (Trousers)
Dù để mặc lẻ hay là một phần của bộ suit, có lẽ chẳng ai là chưa xỏ chân vào ống quần tây lấy một lần trong đời. Quầy tây trong môi trường công sở cần vẻ đứng đắn nhất định nên wool sẽ là chất liệu lý tưởng và màu sắc sẽ xoay quanh các gam màu tối như đen, xám, xanh navy.
Tầm ứng dụng của quần tây cũng khá rộng, chủ yếu khác biệt sẽ nằm ở chất liệu. Mùa nóng có linen, cotton với đa dạng màu sắc. Mùa lạnh có wool với các kiểu dệt và xử lý vải khác nhau như tweed, flannel, v.v…
Comments