Cách ứng xử và phép tắc lịch lãm từng là những điều tối quan trọng dành cho nam giới, giúp anh ta “biến hình” thành Quý ông, tiến tới thành công trong xã hội. Tiếc là ngày nay, những điều tưởng như là nhỏ nhặt ấy không còn được coi trọng 😦
Hãy chấp nhận đi, thế hệ chúng ta lười biếng hơn bậc cha chú và việc bình đẳng giới đang làm cánh đàn ông mất đi bản năng lịch lãm vốn có. Đọc đến đây đừng vội hiểu lầm tôi kẻo tội nghiệp, bình đẳng giới là một trong những điều tuyệt vời nhất cần phải có và tồn tại trong xã hội này! Nhưng tiếc thay nó lại gieo vào đầu chúng ta suy nghĩ: phụ nữ có thể tự lo được cho họ rồi thì cần gì đến sự ga-lăng từ cánh đàn ông nữa! Cứ thế, những cử chỉ rất nhỏ như giới thiệu bản thân, mở cửa, kéo ghế, v.v… dần dần mất đi tính đúng đắn. Thậm chí nhiều người còn cho đó là rườm rà, kiểu cách không phải lối.
“Manners maketh man” – Những cách ứng xử làm nên người đàn ông.
Tất nhiên vì tính thực tế, phần lớn quy tắc từ thời Trung cổ hay Phục Hưng không thể áp dụng lại trong thế kỷ 21 nhưng vẫn có những điều “bất di bất dịch”. Hãy cùng tìm hiểu tận gốc những phép tắc ấy đến từ đâu để hiểu lâu, nhớ kỹ hơn nhé 😉
Giữ cửa mở cho phụ nữ
Nguồn gốc của hành động này không oai như bạn đang tưởng đâu. Thời Trung cổ và Phục hưng, phụ nữ thuộc giới quý tộc thường xuyên mặc những chiếc váy xoè… khổng lồ, kèm theo đó là áo bó eo chật ních, Và ăn mặc như thế thì không khác gì… tàn phế cả, họ di chuyển vô cùng khó khăn và việc mở cửa là không thể. Thế nên, tất nhiên cánh đàn ông phải là người trợ giúp. Ngay cả sau này khi họ không còn mặc những chiếc váy đồ sộ nữa, đàn ông vẫn giữ thói quen mở cửa và chờ phụ nữ bước qua.
Vận lên người những chiếc váy như thế này thì làm sao tự mở được cửa cơ chứ 😭
Ngày nay đây là một cử chỉ thể hiện sự lịch lãm của bạn, không chỉ với phụ nữ mà là với bất cứ ai đi đủ gần từ đằng sau. Ngay cả khi bạn nhận được một lời đáp lạnh tanh từ cô gái: “Cảm ơn, tôi tự làm được” thì hãy cứ mỉm cười và tiếp tục giữ cửa nhé :D. Mà cứ yên tâm, đã là một cử chỉ đẹp thì 9/10 lần phải nhận về phản ứng tốt! Phép tắc này cũng áp dụng cho việc mở cửa xe ô tô nhé.
Đến đúng giờ
Ngày nay việc đến trễ giờ hẹn 10, 15 phút với nhiều người dường như là điều bình thường, có khi còn thể hiện sự… sang chảnh nữa bởi “tôi bận rộn với trăm công ngàn việc, đến muộn một chút cũng là lẽ thường”. Ngày xưa, trễ hẹn với vua chúa thì đầu lìa khỏi cổ, ở đấy mà buôn chanh bán sả nhé 😦
Việc đến hẹn đúng giờ, thậm chí sớm hơn một chút cho thấy bạn thực sự tôn trọng cuộc hẹn và người được hẹn. Có cần phải nhắc bạn rằng đến muộn trong buổi phỏng vấn xin việc là con dao cứa thẳng vào cổ bạn không :))
Tạo ấn tượng tốt đẹp ngay từ lần đầu gặp gỡ
Thời Trung Cổ ở nước Anh, việc bắt tay trong lần đầu tiên gặp gỡ là để chứng minh cả hai bên không ai giấu vũ khí trong tay áo :)). Ngay lần đầu tiên, bạn thủ một thanh đoản kiếm trong tay áo thì chắc không cần lần gặp gỡ thứ hai đâu nữa nhỉ…
Đó là ngày xưa khi ám sát, giết chóc xảy ra như cơm bữa. Còn ngày nay, việc ăn vận tươm tất kèm một cái bắt tay chắc chắn kèm ánh mắt nhìn vào người đối diện sẽ giúp bạn tạo nên ấn tượng tốt. Và nếu đi kèm thêm người hay có ý định giới thiệu hai người với nhau, hãy nhớ:
– Giới thiệu người đàn ông với người phụ nữ trong xã giao thông thường
– Trong công việc, việc giới thiệu dựa theo cấp bậc chức vụ, bỏ qua giới tính. Bạn phải giới thiệu nhân viên với Giám đốc, tập sự với Quản lý, v.v…
Để ý vệ sinh cá nhân
Việc tắm rửa và giữ gìn vẻ ngoài sạch sẽ, gọn gàng từng là đặc quyền của giới quý tộc thời xưa. Thế nên, như một lẽ thường, ai cũng cố gắng hết sức để có vẻ ngoài tươm tất như một người “có tiền”. Nhất là vào cuối thế kỷ 18, sách báo về phép tắc vệ sinh cá nhân được phổ cập rộng rãi hơn để thực hiện hóa giấc mơ “nhìn như quý tộc” của số đông.
Tôi rất dị ứng với thói quen nuôi móng tay của một số quý anh ngày nay. Ôi cái móng tay dài ngoằng, cong queo và ngả màu… Chẳng thể hiểu mục đích nuôi như thế để làm gì, oai với ai 🤢. Cắt ngay móng tay và làm lại cuộc đời từ hôm nay đi bạn ơi…
Một quý ông lịch lãm sẽ có thói quen chăm sóc vẻ ngoài đều đặn hàng ngày, ghé thăm barber định kỳ mỗi tháng hay thậm chí là mỗi tuần. Và đó là nhu cầu chính đáng chứ không phải “điệu” đâu.
Bỏ mũ khi bước vào trong phòng
Đàn ông từng đội mũ giáp để bảo vệ mình trước kẻ thù. Họ cởi mũ giáp khi bước vào trong khuôn viên lâu đài, trong phòng để thể hiện sự tin tưởng: mình đang ở quanh gia đình, chiến hữu, bạn bè thân thiết. Cởi bỏ mũ cũng giúp những thứ bám trên đó như đất cát, bụi bẩn không rơi vào thức ăn hay rơi vào người khác.
Lý do cởi bỏ mũ của ngày nay cũng chẳng khác khi xưa là mấy, một phép lịch sự tối thiểu.
Kéo ghế ngồi cho phụ nữ
Cũng giống như câu chuyện giữ cửa mở ở trên, phụ nữ với những bộ váy đồ sộ trên người cần sự giúp đỡ với chiếc ghế ngồi.
Ngày nay tất nhiên phụ nữ không có điên mà khoác lên người những thứ thiếu thực tế. Nhưng việc làm của bạn sẽ mang đến rất nhiều thông điệp, trong đó là sự quan tâm và chăm sóc và hành động này chắc chắn sẽ ghi điểm tuyệt đối. “Cao cấp” hơn nữa, hãy chọn cho cô ấy chỗ ngồi có view đẹp.
Ứng xử trên bàn ăn
Bàn tiệc thời Trung cổ rất rộng và dài, lúc nào cũng chật cứng khách mời nên việc đặt khuỷu tay lên bàn mà không chạm vào người ngồi cạnh là không thể. Thêm vào đó, đặt khuỷu tay lên bàn cho thấy bạn đang háo hức, đang đói cồn cào ruột gan mà thời đó, chỉ có giai cấp nông dân mới lúc nào cũng hau háu với đồ ăn thức uống thôi.
Các phép tắc trên bàn ăn thực sự không có nhiều, bạn chỉ cần nhớ những điều cơ bản nhất như giữ khuỷu tay tránh xa mặt bàn, ngậm mồm khi nhai không phát ra tiếng động, để phụ nữ gọi món trước, không nhìn vào màn hình điện thoại và giữ thái độ hòa nhã với phục vụ bàn.
Comments