Ngay sau khi xem hết phần cuối của serie Ripley, chỉ sau đó vài ba ngày, tôi lại lọ mọ xem lại lần thứ hai. Không thể cưỡng lại vẻ đẹp của phim, tôi tin nếu là bạn thì cũng sẽ có cảm giác thôi thúc đó, chỉ để nghiền ngẫm, nhìn lại những khung hình, những góc máy đẹp tuyệt trong phim.
Khung lồng trong khung là phong cách quay phim điển hình của Ripley. Tom Ripley luôn được đặt trong rất nhiều lớp khung tạo ra bởi cửa sổ, cửa ra vào, cổng, v.v…
Ripley 2024 này chẳng thể tránh khỏi sự so sánh với các phiên bản điện ảnh tiền nhiệm, gần nhất là “The Talented Mr. Ripley” (1999) có Matt Demon, Jude Law, Gwyneth Paltrow, Cate Blanchett, v.v… Đây cũng là phim khiến tôi mê mẩn trong một thời gian rất dài. Với Ripley của Netflix, tôi xem trong tâm thế chẳng kỳ vọng gì cả, mong đợi to tát gì nữa ở một phim đã biết trước diễn biến, kết quả? Ấy thế mà đây lại là một trong số ít những serie tôi không bỏ dở giữa chừng. Tháng trước vừa drop “The Gentlemen” sau 2 tập đầu, phim xem ngủ gật rất ngon.
Ripley trở thành công cụ rất xịn để quảng bá về văn hóa, nghệ thuật và tất nhiên là cả thời trang nước Ý.
Ripley dựa vào cuốn tiểu thuyết The Talented Mr. Ripley năm 1955 của Patricia Highsmith, theo chân gã lừa đảo Tom Ripley (Andrew Scott) trong chuyến đi tới nước Ý được đài thọ bởi ông chủ một hãng tàu lớn, mục tiêu là phải thuyết phục bằng được ông con trai ngỗ ngược Richard “Dickie” Greenleaf (Johnny Flynn) đang ăn chơi xõa cánh về nhà tu chí làm ăn. Tiếp xúc với Dickie và cuộc sống xa hoa của gã ở nước Ý, Tom nảy sinh khao khát được thế chỗ Dickie.
Đạo diễn Steven Zaillian cũng đội ngũ sản xuất, quay phim, thiết kế trang phục của ông đã tỉ mỉ tái tạo lại những nét thẩm mỹ của thập niên 1960, biến serie Ripley trở thành công cụ rất xịn để quảng bá về văn hóa, nghệ thuật và tất nhiên là cả thời trang nước Ý.
Danh sách địa điểm quay phim của Ripley chỉ nghe thôi đã thấy toàn là những điểm đến trong mơ: Venice, Rome, Naples, Palermo. Đạo diễn Zaillian đã đi dọc bờ biển Amalfi để tìm ra một nơi phù hợp với lối sống của Dickie Greenleaf. Nhưng hầu hết những nơi đạo diễn ghé qua đều đã hiện đại hóa, không phù hợp với bối cảnh diễn ra vào năm 1960 nữa, may mắn thay, một ngôi làng với khoảng 800 người sinh sống, mang tên Atrani đã được chọn. Phim quay vào năm 2021, là đỉnh điểm của dịch COVID nên cũng lại là một cái may nữa cho đoàn làm phim, khi các địa điểm quay không có bóng dáng của khách du lịch.
Dickie, kẻ thừa kế gia tài kếch xù, từ bé đã sống trong sự giàu có nên thói quen vận lên người những chất liệu sang trọng và phong cách “old money” với đồ may đo như một bản năng tự nhiên.
Trang phục trong phim là tổng hợp của những món đồ vintage, đồ thiết kế, may đo. Và mặc dù toàn bộ serie là một màu đen trắng nhưng đạo diễn vẫn yêu cầu bộ đôi thiết kế phục trang Millenotti và Casalnuovo không được phép cho diễn viên mặc đồ màu sắc để giữ trọn vẹn cảm xúc, điều này biến công việc của họ vốn đã khó lại càng khó gấp bội phần. Nhưng cuối cùng, họ cũng học được cách tạo hình nhân vật bằng… cả ngàn tông màu xám trung tính.
Riêng về mảng phục trang, Ripley thực sự quá xuất sắc trong việc khắc họa hình tượng nhân vật. Như Dickie, kẻ thừa kế gia tài kếch xù, từ bé đã sống trong sự giàu có nên thói quen vận lên người những chất liệu sang trọng và phong cách “old money” với đồ may đo như một bản năng tự nhiên.
Hành trình thay đổi phong cách của Tom Ripley gắn liền với từng địa điểm gã đi qua trong phim.
Nhưng sự tiến triển về thẩm mỹ của Tom Ripley mới là điều thú vị, Gã rõ ràng không hề thoải mái khi bước chân vào thế giới giàu sang. Tom học hỏi rất nhanh, và cũng mắc nhiều sai lầm, như chi tiết chiếc áo choàng “thảm họa” Tom mang từ New York đến cho Dickie.
Khi Tom ngày càng hiểu hơn về thế giới của Dickie, gã bắt đầu có sự chuyển biến về phong cách, sự thay đổi rất từ tốn và nhẹ nhàng, trơn tru mượt mà hơn cách Tom gây ra tội ác.
Đạo diễn ưu tiên dành những góc máy thật đẹp cho đồ vật trong phim, cảnh nào cũng như lôi từ Pinterest ra…
Tom bị ám ảnh bởi đồ vật. Nhẫn, máy đánh chữ, máy ảnh, đĩa hát, kính mắt, đồng hồ hay thậm chí là chiếc gạt tàn cũng được Tom nâng niu, o bế. Cách sắp xếp góc máy khi quay đồ vật mang dụng ý rõ ràng để bộc lộ tính cách này của Tom, người xem như những khán giả được Tom mời gọi tới để “khoe đồ” một cách hào hứng.
Cảnh “khoe” giày Ferragamo đôi, sắp xếp góc máy như kiểu tôi và bạn hôm nay ăn mặc giống nhau quá, lôi điện thoại ra làm con ảnh nào.
Phim đề cập nhiều đến nghệ thuật, đặc biệt là tranh của họa sĩ người Ý Caravaggio, người Tom luôn cảm thấy có sự kết nối và đồng cảm thông qua… tội ác. Một điều khá hài hước là sau những cú máy đi qua hàng loạt tác phẩm kiến trúc, điêu khắc, tranh vẽ đẹp lặng người, chúng ta ai cũng có cảm giác bị tra tấn bởi tranh của Dickie. Mỗi nhân vật trong phim khi nhìn tranh vẽ của Dickie, có cảm giác họ đang cố giữ vẻ lịch sự để không thốt lên rằng: “Sao xấu đau xấu đớn vậy anh giai?”. Vậy đó, có một thứ Dickie không thể mua được bằng tiền, đó là tài năng.
Tôi chỉ chờ có ai đó huỵch toẹt ra là tranh của Dickie thật tệ hại, tệ như con đường theo đuổi nghệ thuật viển vông của gã vậy…
Kommentare