Quần jeans tưởng như là món đồ không thể đơn giản hơn vì bước vào bất cứ cửa hiệu nào bán hàng thời trang cũng có thể mua được. Tôi tin rằng độc giả không đến mức “lạc lối” với quần… ống loe loẹt quẹt mặt đường hay quần dán chằng chịt logo, hình thêu ngớ ngẩn…
Nếu muốn đánh giá chất lượng của một chiếc quần jeans, bạn sẽ phải “soi” kỹ hơn bình thường khá nhiều, nhưng có là gì nhỉ? Khi mà cuối cùng được xách về một món đồ không thể ưng ý hơn? Và đây cũng chính là mục đích của bài viết này 😉
Thương hiệu
Có thể bạn sẽ nói tôi là kẻ ưa hình thức, thích mác thương hiệu nhưng tôi có lý do để đặt yếu tố này lên đầu. Đó là vì với những người không biết, không hiểu rõ về các chi tiết trên quần jeans thì thương hiệu uy tín chắc chắn là chiếc “phao cứu sinh” rồi.
Naked & Famous
Hầu như thương hiệu nào cũng sản xuất jeans nhưng không phải ai cũng làm tốt hết cả đâu. Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, đồ denim của Saint Laurent đang trở thành trend nhưng đây lại là thứ “đắt đỏ” nên tôi sẽ không nhắc tới nữa.
Denham
Nói về chất liệu thì trên thế giới hiện nay, Nhật Bản vẫn là nhà vô địch về vải denim khi họ sở hữu rất nhiều xưởng dệt, nhà máy sản xuất sợi với kỹ thuật lâu năm cùng đội ngũ thợ lành nghề. Một số thương hiệu có sử dụng nguồn vải denim Nhật là: Naked & Famous (Canada), Denham (Hà Lan), A.P.C (Pháp), v.v…
Allsaints
Cá nhân tôi rất thích jeans của Nudie, Naked & Famous, Allsaints… Tất cả đều là những dáng quần skinny hoặc slim-fit, tông màu đậm nên tôi có thể kết hợp chúng với bất cứ trang phục nào!
Nudie Jeans
Tôi thấy việc tìm ra được một thương hiệu ưng ý cũng giống như tìm thấy một người thợ may hiểu rõ các số đo, các đặc điểm cơ thể của bạn vậy. Khi đã tìm được cho mình một thương hiệu phù hợp nhất với bản thân, xin hãy trân trọng và gắn bó lâu dài với chúng bởi “mối quan hệ” này khó mà có thể lặp lại trên đời 😀
Chất liệu
Với jeans, giá thành thường liên quan đến độ bền. Quần jeans giá rẻ thường nhanh chóng xuống dáng hay bai rão thậm tệ, vì thế hãy đầu tư hết mức có thể cho một chiếc quần ưng ý nhất. Nước Mỹ là nơi mà quần jeans ra đời nhưng như tôi đã nói ở trên, Nhật Bản mới là “ông trùm” về chất liệu. Những nhà máy của Mỹ đã và đang thay đổi kiểu máy dệt cũ bằng loại hiện đại hơn vì họ chú trọng tới hiệu suất. Còn Nhật Bản vẫn luôn trung thành với máy móc có từ những năm 20 của thế kỉ trước, cho ra đời những thành phẩm khác biệt, đầy nét riêng.
Máy dệt sợi denim.
Có hai loại jeans: cơ bản và selvedge (có thêm đường viền đỏ may bên trong mép quần). Jeans cơ bản có lẽ không cần phải nói nhiều bởi chúng được làm từ chất liệu, quy trình thông thường nhất. Còn Selvedge là một thuật ngữ chỉ phần viền ở phía ngoài mép, giúp gia cố đường may bền chắc nhất có thể. Loại vải này được dệt từ máy dệt con thoi cũ với thớ vải hẹp, chất lượng cao hơn cũng như tốn nhiều thời gian hơn. Do đó, selvedge denim thường có giá cao và chất lượng tốt hơn so với những loại vải jeans được sản xuất đại trà.
Viền selvedge nằm ở mép quần.
Mỗi khi xắn gấu quần, đường viền màu đỏ selvedge chạy dọc mép mới hiện ra, đây không chỉ là dấu hiệu về chất lượng mà còn là một điểm nhấn đặc biệt trong phong cách của bạn.
Kiểu dáng
Quần jeans ban đầu được thiết kế dành cho dân lao động, vì thế nó được cắt may rộng rãi và thoải mái để tiện cho các cử động mạnh. Cho tới khi jeans được thời trang công nhận, người ta phải thực sự choáng váng trước vô vàn những kiểu dáng mới mẻ của chúng.
Dáng quần slim-fit (thoải mái ở phần bắp đùi cho tới đầu gối và ôm sát từ đầu gối đến cổ chân) đang là một chuẩn mực cho nam giới vì có đủ hai yếu tố: trẻ trung và đứng đắn. Bạn rất nên sở hữu ít nhất là một chiếc quần jeans slim-fit rồi mới chuyển sang trải nghiệm những thứ khác như quần ống rộng (ảnh hưởng từ thời trang Nhật Bản), skinny hay super-skinny (siêu bó!).
Màu sắc
Không gì hơn là những chiếc quần jeans ở 3 tông màu: đen, xanh chàm (indigo), xanh mài nhẹ. Jeans trắng dạo gần đây cũng phổ biến nhưng theo tôi hãy dành chúng cho mùa Hè và thời tiết, điều kiện đường xá ở Việt Nam cũng không “ưa” màu trắng lắm đâu. Quần jeans màu càng đậm càng trở nên linh hoạt và dễ áp dụng trong mọi hoàn cảnh.
Còn các tông màu “lạ” như đỏ hay cam ư? Bản thân tôi cũng chẳng đủ tự tin để diện nữa, nó gợi tôi nhớ về thời hoàng kim của các boyband, đã lâu lắm rồi 😦
Chi tiết
Mọi đường may, đường chỉ phải đều đặn và chắc chắn, không có hiện tượng bung sút chỉ. Loại quần jeans chất lượng thấp ở ngoài có thể rất nuột nhưng lật ngược ra thì đường may ở hai bên mép quần ẩu không thể tả nổi. Những loại quần như thế, chỉ cần đứng lên ngồi xuống vào lần thôi là “nguy cơ” đã có thể xảy ra rồi.
Với kỹ thuật may hiện đại, người ta có thể sản xuất ra kiểu quần “trơn” với loại chỉ bền chắc nhưng để chắc ăn thì kiểu quần có đinh tán đính ở mép túi vẫn là dấu hiệu tốt nhất.
Vấn đề giặt giũ
Có một sự thật là càng tránh giặt nhiều thì quần jeans càng giữ được dáng và màu sắc lâu hơn. Với loại raw, dry jeans, công đoạn sản xuất của chúng không qua bước giặt với đá mài mà chỉ đơn giản là nhúng vải vào bể màu nhuộm. Kiểu quần này sẽ phai màu dần ngay cả khi mặc và màu phai này chính là dấu ấn cá nhân, thứ mà các tín đồ denim như tôi mê mệt đến điên cuồng. Cùng hai chiếc quần y hệt nhau khi mua về nhưng cho hai người mặc sẽ cho ra màu sắc khác nhau hoàn toàn.
Click vào hình để xem quá trình biến đổi màu sắc của raw jeans.
6 tháng/lần là giới hạn giặt của raw jeans, còn jeans bình thường mặc 1 tuần/lần là ngon rồi 😀 Tốt nhất nên giặt quần jeans bằng tay với thao tác chính là ngâm-vò nhẹ. Nếu giặt máy thì hạn chế bột giặt và chỉnh vận tốc quay thấp nhất.
Comments