Tôi cũng chẳng mấy khi mặc một bộ suit hoàn chỉnh, trừ dịp quan trọng hay dress-code bắt buộc. Liên quan đến đồ may đo (sartorial), thứ tôi có nhiều hơn trong tủ đồ có lẽ là blazer, sport jacket. Khó có thể phủ nhận tính linh hoạt, đa dụng của chúng khi phối cùng quần jeans, item yêu thích bậc nhất của tôi.
Nhưng tôi hiểu, khi đã sở hữu một bộ suit, bạn sẽ muốn tận dụng nó thật triệt để. Không phải lúc nào cũng mặc nguyên bộ, bạn sẽ có tâm lý muốn tách lẻ bộ suit đó ra để mặc riêng, phối cùng những trang phục khác nữa. Hoan nghênh bạn!!!!! Tinh thần sử dụng và cách ứng dụng trang phục này luôn là thứ tôi cổ vũ nhiệt tình! Nhưng có cảm giác lấn cấn đúng không? Khi mà suit mang tính chất trịnh trọng, vây quanh bởi quá nhiều quy tắc, luật lệ?
Để cho rõ ràng nhé: bạn có thể tách lẻ một bộ suit! Mấy gã người Ý còn có từ chuyên môn cho cách này, gọi là “spezzato”. Tuy nhiên, để áp dụng thuần thục thì bạn cần có khả năng “đo đạc” mức độ trang trọng của bộ suit nói riêng, đồ may đo nói chung. Đây là thứ ngôn ngữ ẩn giấu dưới từng chi tiết của món đồ.
Suit jacket để tách ra mặc riêng cần có sức thuyết phục như sport jacket (blazer là một dạng của sport jacket, nhưng không phải cái sport jacket nào cũng là blazer). Với một bộ suit, jacket và quần làm từ cùng một chất liệu. Sport jacket lại là kiểu áo khoác được thiết kế để phối cùng quần mang chất liệu khác.
Dưới đây là các dấu hiệu để biết liệu rằng chiếc suit jacket của bạn có vượt qua được bài test để xé lẻ ra mặc riêng được không:
Chất liệu
Trang phục mang tính formal, trịnh trọng sẽ được định nghĩa bằng chất liệu mềm mượt, phẳng phiu và trơn tru. Ví dụ như vải mang thông số “Super 100s Wool” chẳng hạn, từ “super” trong này mang ý nghĩa là siêu mảnh, thấp nhất có super 80s và lên tới gần super 300s. Chỉ số này càng cao có nghĩa tấm vải đó được dệt nên bởi những sợi len càng mảnh, đem đến hiệu ứng trơn phẳng không tì vết trên bề mặt vải. Chất liệu mang tính casual thường có cảm qua “vui mắt” hơn do cách dệt và xử lý tạo nhiều hiệu ứng hơn. Tweed, Flannel, Seersucker, v.v… là những ví dụ điển hình cho cách dệt mang hiệu ứng thị giác mạnh.
Màu xanh navy đậm thường là dấu hiệu của một bộ suit formal nhưng trông rất “mềm” với chất liệu Seersucker, chiếc jacket trong trường hợp này có thể dễ dàng tách lẻ để phối đồ đa dạng hơn.
Để đánh giá chiếc suit jacket có thể tách lẻ được không, điều cần làm trước tiên là kiểm tra tính chất của vải, như cách dệt, màu sắc và độ bóng. Len wool thường mang tính chất trang trọng hơn linen hay cotton, nên một chiếc jacket nhung tăm (corduroy) hay linen nhẹ nhàng bay bổng luôn sẵn sàng để phối cùng quần khác nhau. Hơi rắc rối là ngay chính chất liệu wool với nhau cũng có khác biệt, chủ yếu nằm ở cách dệt vải. Như jacket vải wool mượt mà, có độ bóng nhẹ và còn ở tông màu tối như xám than chì thì chắc chắn sẽ gợi tính formal cực cao. Đây là tín hiệu đèn đỏ để bạn dừng ngay suy nghĩ lôi áo ra phối cùng quần jeans đấy! Ngược lại, chất liệu wool dệt kiểu tweed hơi gồ ghề trong tông màu đất như nâu, xanh olive, v.v… lại hoàn toàn an toàn để bạn tận dụng phối đồ.
Một vài mẫu họa tiết nhất định cũng có thể đưa vào phân tích. Thể theo lịch sử thì họa tiết kẻ sọc mảnh như pinstripes, chalkstripes hay được dân chứng khoán, ngân hàng chọn, thế nên đây mặc định là họa tiết formal. Nhưng cũng là kẻ sọc với đường kẻ kích thước to hơn, chiếc jacket lại mang tính casual nhiều hơn. Blazer họa tiết kẻ sọc to từng là đồng phục phổ biến cho môn đua thuyền.
Còn rất nhiều ví dụ cho sự “đóng đinh” của họa tiết cho phong cách như họa tiết mắt chim (bird’s eye), đầu đinh, đầu ghim (nailhead, pinhead) thường dành cho nửa formal của phong cách. Còn xương cá Herringbone, các loại kẻ caro như Glen checks, Prince of Wales, Tartan, Gingham, v.v… với kích thước họa tiết càng to thì càng mang dáng vẻ casual.
Như một quy luật chung, kích thước họa tiết càng lớn thì chiếc áo jacket đó càng dễ tách ra để phối đồ bên ngoài còn nếu là họa tiết nhỏ nhắn, tông màu nhạt và trầm thì chỉ nên để mặc theo bộ mà thôi.
Hình thái
Sự khác biệt giữa vẻ mềm mại và cứng cáp (nhấn mạnh là cứng cáp chứ không phải thô cứng nhé) cũng định hình tính chất của áo jacket. Vai rộng, có miếng độn (padded) định hình form sẽ khiến chiếc áo trở nên nghiêm trang hơn. Trong khi đó, vai áo mềm, độn mỏng hoặc kiểu vai tự nhiên sẽ khiến chiếc jacket dễ dàng dress-down hơn.
Khuy và túi áo
Những chi tiết tưởng chừng là rất nhỏ nhưng lại đóng vai trò quan trọng quyết định tính linh hoạt của suit jacket. Như bộ khuy xà cừ (mother-of-pearl) với độ ánh tự nhiên, thường thấy trên những bộ suit vải wool nhiệt đới hay linen cũng khiến bộ đồ trở nên casual hơn. Hay số lượng khuy tay áo cũng vậy, áo có 1, 2 hoặc 3 khuy tay áo nhìn bao giờ cũng nhẹ nhàng và thanh thoát hơn 4 khuy truyền thống. Về túi, túi áo dạng túi ốp (patch) casual hơn túi nắp (flap).
Thay cho lời kết, trang phục là một dạng ngôn ngữ hình ảnh. Cũng như bao ngôn ngữ khác, bạn thực hành trước khi có thể “nói” một cách trôi chảy. Khi đó, ngoài lý thuyết ra, bạn sẽ còn sở hữu thứ gọi là cảm quan, bạn sẽ tự cảm nhận được khi nào nên và không nên tách lẻ với một chiếc suit jacket. Chúc bạn sớm lãnh hội được năng lực này!
Comments