Chà, Hollywood… Vùng đất từ lâu đã luôn có vấn đề về sắc tộc. Tính trong lĩnh vực siêu anh hùng nhé, Superman, Batman của DC rồi Spider-Man của Marvel là những siêu anh hùng nổi tiếng từ xưa đến nay, và nhìn màu da của những nhân vật này từ trong truyện tranh cho đến màn ảnh rộng đi… Tin tốt là mọi thứ đã và đang thay đổi.
Năm 2018, Black Panther ra mắt với dàn diễn viên da màu. Đây là một quả bom tấn đúng nghĩa của Marvel thành công về mọi mặt, từ doanh thu cho đến nhiệm vụ quảng bá hình ảnh văn hóa châu Phi.
Liệu Shang-Chi chỉ là một phiên bản châu Á của Black Panther?
Việc Shang-Chi bước ra từ những trang truyện tranh lên màn ảnh nằm trong kế hoạch đa dạng hoá của Marvel Studio cho con đường 10 năm phát triển tiếp theo. Sau Black Panther, các nhân vật nữ chính dần xuất hiện: Captain Marvel (2019) và năm nay là Black Widow. Rồi Captain America da màu (Anthony Mackie) sẽ sớm lên màn ảnh rộng, cũng như một loạt siêu anh hùng mới như Ms. Marvel (Iman Vellani), Ironheart (Dominique Thorne) và Hawkeye nữ (Hailee Steinfeld) đều được lên kế hoạch giới thiệu trên kênh truyền hình Disney +.
Liệu Shang-Chi chỉ là một phiên bản châu Á của Black Panther? Khi chính đạo diễn phim Destin Daniel Cretton sinh ra tại Hawaii và là người gốc Á, dàn diễn viên trong phim đại đa số là người da vàng. Nếu đúng thì có gì sai? Giờ đây giấc mơ siêu anh hùng của hàng triệu trẻ em châu Á và gốc Á trên thế giới này được bổ sung thêm một nhân vật “nhìn giống” mình, đó chẳng phải là điều chính chúng ta cũng từng tìm kiếm khi còn nhỏ sao? Một “siêu nhân” tóc đen, da vàng!
Hình ảnh người châu Á tại Hollywood trước đây luôn bị đóng khung: có vẻ ngoài “nerd nerd”, giỏi toán hoặc rất giỏi võ bởi tầm ảnh hưởng của huyền thoại Lý Tiểu Long (Bruce Lee). Nhưng ngay chính hình ảnh Lý Tiểu Long cũng bị đem ra làm trò đùa, gần đây nhất là trong Once Upon A Time In Hollywood của đạo diễn Quentin Tarantino…
Phim ảnh thì chế nhạo, sách báo thì cứ lấy hình mẫu vẻ đẹp châu Âu làm tiêu chuẩn, hình ảnh đàn ông châu Á đã có những lúc rơi vào bế tắc không chỉ ở Hollywood, người gốc Á ở phương Tây hầu như đều mang sự tự ti, một nỗi buồn miên man liên quan đến màu da, ngoại hình…
Vượt ra ngoài vũ trụ Marvel, những bộ phim gần đây như Crazy Rich Asian, Always Be My Maybe và Mortal Kombat đều có nam chính là diễn viên châu Á. Henry Golding, Randall Park, Lewis Tan,… đang khiến cả Hollywood phải nhớ mặt, gọi tên, dần gạt bỏ định kiến về người châu Á có “diễn xuất đơ”, suốt đời chỉ vào vai phụ, là phụ tá của nhân vật chính.
Vai diễn Shang-Chi của Simu Liu rõ ràng là một dấu mốc quan trọng, hội tụ đủ tính cách của hình mẫu nhân vật chính thời thượng: sức mạnh vô song nhưng vẫn có điểm yếu, hài hước nhưng đầy xung đột nội tâm và tất nhiên, rất sexy nữa.
Ảnh hưởng của đại dịch có thể sẽ ngăn cản Shang-Chi đạt được thành công tại phòng vé như Black Panther từng làm, bộ phim cũng chỉ được chiếu rạp 45 ngày trước khi chuyển sang nền tảng Disney +. Nhưng có hề gì, mọi thứ đang quá sáng sủa với Shang-Chi, phim đang được đến 92% điểm tươi từ các chuyên gia, 98% ủng hộ từ khán giả trên trang Rotten Tomatoes và 8.1 điểm trên IMDB… Với anh diễn viên 32 tuổi Simu Liu, mọi thứ mới chỉ bắt đầu.
Comments