top of page
gold_render_edited.png
Ảnh của tác giảTom Goedhart

Suit Qua Các Thập Kỷ Thời Trang

Bất kể sự đa dạng về chất liệu, sự tỉ mỉ về cấu trúc, hay cả kể sự “chóng mặt” về giá, suit được thiết kế để tôn vinh hình thể của người đàn ông. Đi theo truyền thống, bộ suit sẽ khắc họa hình ảnh về sự nam tính qua phần vai đầy quyền lực, vị trí eo gọn gàng, tóm lại là khoác một bộ suit lên người cũng giống như bạn đang được “bơm” thêm sức mạnh. Nhưng giá trị truyền thống nào sinh ra cũng là để… phá bỏ. Trong suốt 50 năm qua, các NTK đã và đang tìm ra những phương pháp đáng ngạc nhiên để làm ra bộ suit, họ ngày càng đào sâu hơn vào cuộc chơi mang tên “hình thể nam giới”.


Một trong những người làm “cách mạng” cho suit đầu tiên phải nhắc đến Giorgio Armani.


Trước khi đưa thương hiệu mang chính tên mình lên hàng ngũ các ông lớn trong ngành thời trang, Armani từng là sinh viên ngành Y. Vậy nên cũng chẳng có gì quá bất ngờ khi Armani có nền tảng, kiến thức về giải phẫu vô cùng bài bản. Ông phá bỏ hoàn toàn những gì được coi là truyền thống trước đó như điểm giao giữa ve áo và cổ (gorge), vị trí đặt khuy (button stance), v.v… để đem đến những điều mới mẻ: những bộ suit có độ rủ (drape) mềm mại từ vai xuống đến hông. Một sự đột phá trong bối cảnh suit lúc đó vẫn là một khái niệm cực kỳ nghiêm túc, chỉ dùng những chất liệu đanh, cứng.

Giorgio Armani 1992. Loại bỏ các phần đệm, cấu trúc bên trong, để bộ suit rủ một cách tự nhiên, Armani hướng ánh nhìn về cơ thể của người mặc nhiều hơn là miếng đệm vai, đệm ngực dày cộm trên bộ suit truyền thống.

Armani thành lập công ty vào năm 1975, và chỉ sau đó 5 năm, ông đưa công ty lên một tầm cao mới khi đảm nhiệm thiết kế phục trang cho bộ phim American Gigolo. Armani đã tạo ra những bộ suit không cấu trúc, nhẹ nhàng, sử dụng chất liệu mang tính kích thích thị giác cho diễn viên Richard Gere trong phim. Chính vì sự nhẹ nhàng, bay bổng trong thiết kế nên suit của Armani giống như làn da thứ 2 đối với người mặc. Chất liệu càng mềm mại, càng đòi hỏi cơ thể phải săn chắc, đây là công thức để Armani tạo nên nét đẹp mới cho suit. Đó cũng chỉ là quan điểm của riêng ông nhưng sự thành công của phim American Gigolo đã giúp Armani cổ vũ tinh thần… tập gym của nam giới toàn cầu vào những năm 1980.

Gucci 1995. Dưới vai trò là Giám đốc sáng tạo của Gucci, Tom Ford tôn vinh hình thể của người đàn ông hết mức có thể.

Đi tiếp tới những năm 1990, giai đoạn này khó có ai thể hiện được tinh thần “sexy” giỏi như Tom Ford, ông là Giám đốc sáng tạo của Gucci năm 1994. Tom Ford muốn được nhìn thấy những người đàn ông trong bộ suit, nhưng nhìn phải thật khác biệt và sexy!


Suit của Gucci dưới thời Tom Ford xuất hiện với phần vai sắc nét, eo ôm rất gắt cùng với chiếc quần ống vảy bó sát mông. Giống như là Tom Ford đã tái cấu trúc lại suit của Armani, làm cho chúng thon gọn hơn với những chi tiết ôm sát trần tục. Bộ suit của Ford khuyến khích người mặc “khoe thân” nhiều hơn khi chính ông thường xuyên diện chúng cùng áo sơ mi mở khuy thấp đến tận… gần rốn.

Dior Homme 2007. Dưới thời Hedi Slimane, Dior Homme đã làm nên một cuộc cách mạng với những bộ skinny suit, ôm sát cơ thể. Hedi còn thể hiện sự thành công cực đoan khi “ép” người ta phải giảm cân cật lực để diện đồ của mình.

Không phải NTK nào cũng ưa hình ảnh người đàn ông đô con, lực lưỡng. Hedi Slimane là một ví dụ. Hedi ngồi ghế Giám đốc sáng tạo cho Dior Homme năm 2000, ông làm bộ suit “co rút” một cách triệt để. Người ta còn nghĩ Hedi lấy ý tưởng từ bộ đồ bó ở bộ môn thể thao lướt ván để làm ra những bộ suit skinny màu đen đặc trưng của mình. Ai muốn mặc suit của Dior thì phải gầy, rất-rất gầy. Thậm chí đến cả Karl Lagerfeld, một NTK lừng lẫy khác còn phải giảm đến 40kg trong 1 năm chỉ để mặc suit của Dior.


“Suit của Dior dưới tay Hedi Slimane, bạn phải thật gầy mới mặc được chúng. Thông điệp quá rõ: Muốn mặc à? Hãy gầy trơ xương ra đi đã nhé! Thế là tôi vào chế độ ăn uống, tập luyện để giảm cân. Tôi giảm đến 40kg chỉ để mặc đồ của Hedi Slimane.” - Karl Lagerfeld

Thiết kế của Hedi Slimane thoát ly khỏi hình ảnh cơ bắp vốn vốn được đem ra làm quy chuẩn cho nam giới trước đó. Hướng đi của Hedi khác hoàn toàn với Ford, ông tìm đến sự… u sầu trong phong cách. Kiểu như khi người ta đã chán với việc khoe thân để chứng tỏ sự nam tính thì sẽ chuyển sang dùng cảm xúc.

Thom Browne 2018. Lật đổ truyền thống theo cách của Thom Browne.

Cũng trong khoảng thời gian này, một cuộc “khởi nghĩa” khác được nhen nhóm, đến từ Thom Browne. Xuất phát điểm từ một cửa tiệm may đo đặt hẹn vào năm 2001, Thom Browne mang thế giới với những luật lệ của riêng mình để thay đổi bộ suit. Thiết kế của Browne nếu để phân tích theo quy chuẩn thì chắc chắn là sai, quá sai… Nào là suit nhìn như bị co rút, nách đẩy lên quá cao, vai quá hẹp, đặc biệt là ống quần ngắn lên đến trên mắt cá chân. Nhưng Browne lại thành công một cách… kì quái với những tỉ lệ về suit do mình tự đặt ra.


Ngoài việc biến sắc xám trở thành nét đặc trưng cho thương hiệu, Thom Browne còn mang đến một hình thái mới mẻ và có phần điên rồ: những người đàn ông cơ bắp lực lưỡng… mặc váy. Ông còn cho người mẫu đi giày brogues cao gót, “gắn” váy cưới từ đằng sau bộ tuxedo và rất nhiều hình ảnh gây shock khác…

Gucci 2019–2020. Jared Leto và Harry Styles là hai nguồn cảm hứng cho Alessandro Michele thể hiện sự linh hoạt giới tính trong thiết kế suit.

Nếu nói Thom Browne là người truyền lửa cho Alessandro Michele cũng chẳng sai. Năm 2015, khi về làm Giám đốc sáng tạo cho Gucci, Michele không ngần ngại thể hiện ý muốn kết hợp vẻ nam tính và nữ tính cho những thiết kế của mình. Những chiếc áo jacket có đệm vai dày, lượn cong thể hiện dáng vóc mảnh dẻ, ve áo cắt rất to để tương đồng với quần ống loe rộng. Cơ thể của người mặc lúc này giống như một… sân chơi của những đường cắt, cách sắp đặt tỉ lệ táo bạo.

Ermenegildo Zegna x Fear of God 2020. Jerry Lorenzo và Alessandro Sartori thiết kế ra những bộ suit không chỉ dành cho ngoại hình, mà còn là liều thuốc cho tâm trạng, sự xa xỉ khi ngồi giãn cách ở nhà.

Tháng 3 năm ngoái, khi cả thế giới thực hiện giãn cách ly xã hội, Ermenegildo Zegna và Fear of God cho ra mắt những bộ suit hay ho nhất. Alessandro Sartori và Jerry Lorenzo kết hợp sự thanh lịch và dáng vẻ thoải mái với chiếc áo loại bỏ ve, mô phỏng theo áo bóng chày. Những thiết kế này rút hết tinh thần formal trên một bộ suit và thay vào đó là tinh thần nghỉ ngơi, thư giãn cao cực độ. BST đón nhận thành công nhanh chóng, bởi nó cổ vũ cho tinh thần, thái độ hơn là thể chất, những bộ suit được thiết kế đặc biệt cho thời COVID.


Theo GQ.


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page