top of page
gold_render_edited.png
Ảnh của tác giảTom Goedhart

"Đàn Ông Cần Túi Để Đựng Đồ, Phụ Nữ Cần Túi Để Tỏa Sáng"

Tôi không biết trẻ con bây giờ thế nào nhưng tôi lúc bé, trong túi áo, túi quần lúc nào cũng lỉnh kỉnh đồ đạc. Trẻ con thích khám phá, nhặt nhạnh nên túi cứ đầy nhung nhúc dây chun, sticker dán, hình cắt từ sách báo, bi ve, đồ chơi li ti, v.v… Ngay từ bé, đàn ông chúng ta luôn thể hiện nhu cầu cần đến túi. Chúng ta luôn luôn sẵn có một hay nhiều thứ để làm đầy những chiếc túi, đôi khi còn là thói quen xỏ tay vào túi nữa.


Ở một diễn biến khác, chiếc váy giống như một biểu tượng cho tính nữ, sự nữ tính dịu dàng, và nó thường không có túi. Cho dễ hiểu thì huyền thoại Christian Dior có đúc rút một câu từ kinh nghiệm thiết kế thời trang của ông: “Đàn ông cần túi để cất đồ, phụ nữ cần túi để trang trí”.


Khái niệm túi áo/quần chắc chắn không thể hình thành ngay cùng lúc quần áo xuất hiện, chúng bắt đầu từ những chiếc túi trang trí nhỏ đeo ở thắt lưng, dành cho cả 2 giới để mang theo những món đồ lặt vặt, từ khăn mùi soa cho đến sổ tay. Nhưng khi trang phục nữ giới trở nên eo ót và ôm sát cơ thể hơn, chiếc túi gắn thắt lưng bỗng trở thành phá game, chúng “tiến hóa” thành túi xách như ngày nay.


Đến thứ kỷ 17, túi khâu trực tiếp vào trang phục cho nam giới bắt đầu xuất hiện. Những món đồ hàng ngày của cánh đàn ông nay đã có chỗ để đàng hoàng, tiện lợi hơn chiếc túi rời gắn vào thắt lưng rất nhiều. Túi áo khoác của bộ suit (suit jacket) hay túi quần, lời khuyên của thời đại mới là chớ nên lạm dụng bởi cất đồ vào trong sẽ phá form. Thế nhưng hồi xưa chẳng ai quan tâm cả đâu bạn, người ta nhét được gì là sẽ nhét cho bằng hết… Người xưa mê những chiếc túi đến nỗi họ bỏ công ra nghiên cứu, thiết kế ra những kiểu chuyên biệt. Thế nên ngày mới có đa dạng kiểu túi trên áo khoác suit đến vậy, như túi có nắp để bảo vệ đồ đạc bên trong khỏi mưa hay những kẻ móc túi.

Tới thế kỷ 20, yêu cầu của chiến tranh càng khiến thiết kế túi trên trang phục được trưng dụng. Những người lính, đặc biệt là lính nhảy dù có cho riêng mình kiểu quần túi hộp để dễ dàng thò tay rút đồ đạc ngay cả trong tư thế ngồi. Chưa kể đến những mẫu áo như safari jacket, field jacket nữa, đúng là thiên đường của những chiếc túi.

Câu hỏi đặt ra, bao nhiêu là đủ? Theo một nghiên cứu lịch sử tại Mĩ, số lượng túi trung bình trên một bộ suit 3 mảnh (gồm áo jacket, quần, áo gilet) và áo sơ mi vào năm 1945 lên tới 24 chiếc. Thật khó để tưởng tượng ra chúng nằm ở những vị trí nào… Nhưng nếu với người cần thì 24 cái túi vẫn ít, thậm chí là quá ít. Câu trả lời nằm ở nhu cầu và mục đích của bạn thôi. Với nhiều người, việc được mang theo đầy đủ vật dụng tạo sự tự tin và cảm giác an toàn. Nhưng tất nhiên, họ sẽ phải đánh đổi tính thẩm mĩ, thậm chí còn kéo theo vẻ luộm thuộm, mỗi bước đi lại phát ra tiếng động bởi tiếng đồ đạc va đập vào nhau bên trong túi.


Nếu bạn cần lời khuyên với những chiếc túi trên quần áo thì nên giữ một thái độ cân bằng và hài hòa, không phải chiếc túi nào cũng trực chờ bạn nhét đồ vào, đặc biệt là trên một bộ suit. Tất nhiên, ứng dụng ra sao còn phụ thuộc vào thói quen và sở thích cá nhân nữa. Tôi thường xuyên mặc quần jeans, chinos và thường ngày chỉ có 2 món đồ là điện thoại và ví tiền, tôi sẽ để chúng ở 2 túi quần trước. Mọi đồ lặt vặt khác như bao kính, sổ tay, bút, pin sạc dự phòng sẽ chuyển sang túi xách, túi đeo cùng với laptop.


Một bộ quần áo đẹp đẽ mà bị hủy hoại bởi những chiếc túi thiếu cân nhắc thật đáng tiếc. Liệu rằng bạn có cần tha lôi quá nhiều đồ ra đường như vậy không?


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentários


bottom of page