Tôi muốn giới thiệu một khái niệm có thể là mới với đa số độc giả: Break. Break là một thuật ngữ để chỉ mức độ nhăn, gấp nếp của ống quần khi đứng thẳng. Break được tạo ra khi ống quần chạm tới phần thân trên của đôi giày.
Với xu thế hiện đại, chuẩn mực dành cho chiều dài ống quần (gần như đối với tất cả các loại quần) là rất mờ nhạt. Tùy vào mong muốn, phong cách của mình mà bạn sẽ quyết định chiều dài ống quần ra sao: dài bình thường, ngắn đến mắt cá, ống cộc, v.v… Trên thế giới, có nhiều thương hiệu sử dụng các chiều dài ống khác nhau, coi như là một điểm nhấn riêng của họ. Ví dụ Thom Browne có quần ống cộc, Tom Ford chuẩn mực với ống dài cổ điển, v.v…
Điều quan trọng cần ghi nhớ chính là sự tương quan giữa chiều dài và chiều rộng của quần. Dưới đây là một số chiều dài ống phổ biến nhất hiện nay:
Quần ống cộc (cropped)
Nhà thiết kế thời trang đến từ New York, Thom Browne chính là người tạo nên cơn sốt cho những chiếc quần ngắn tới mắt cá chân. Đây cũng là xu hướng đã và đang phát triển mạnh mẽ trong thời trang nam giới. Quần ống cộc rất hợp với phong cách casual bởi vẻ trẻ trung, sự thoải mái và còn mang đến cho chủ nhân vẻ khỏe khoắn trong mỗi bước đi nữa.
Quần ống cộc rất thích hợp với trang phục mùa hè, phối với giày không cần tất hoặc mang tất “tàng hình” ngắn dưới mắt cá chân. Kiểu quần này đẹp nhất trong dáng skinny, phù hợp với các anh chàng thanh mảnh, có đôi chân thon gọn.
Quần không break
Có thể coi như đây là một biến thể từ quần ống cộc với chiều dài nhỉnh hơn một chút, hơi phảng phất qua phần thân trên, vị trí cao nhất của đôi giày. Tuy nhiên, với mục đích không tạo ra các nếp nhăn trên quần, bạn cần “căn ke” chiều dài thật chuẩn để chiếc quần có dáng suông vừa phải nhưng vẫn có độ ôm nhẹ nhàng.
Hiện nay các tín đồ thời trang Châu Âu rất ưa chuộng dáng quần này bởi chúng mang lại phong cách hiện đại, gọn gàng, dễ dàng làm “mềm” đi dáng đứng đắn quen thuộc của chiếc áo khoác suit. Quần không có break thích hợp với những anh chàng có vóc dáng gọn gàng, chiều cao hơi khiêm tốn.
Quần break nhẹ
Ống quần được xử lý tinh tế để vừa chạm đến phần thân trên cùng của đôi giày, tạo nên sự gấp khúc rất nhẹ trên ống quần. Kiểu quần này phù hợp với hầu hết tất cả mọi người, đặc biệt là những anh chàng công sở. Nên lựa chọn dáng quần slim-fit nếu muốn đi theo trường phái break nhẹ như thế này.
Quần break trung bình
Theo khái niệm hiện đại, quần càng có nhiều break thì trông bạn sẽ càng già dặn, càng có vẻ “không quan tâm” tới thời trang, xu thế. Nếu không muốn vẻ ngoài quá hiện đại như quần ống cộc, bạn có thể tìm đến các kiểu quần có break trung bình để cân bằng vẻ nam tính, đứng đắn mà vẫn không bị lạc hậu, lạc mốt. Chiều dài ống quần sẽ che hết toàn bộ phần “lưỡi gà” cũng như hai lỗ xỏ dây đầu tiên.
Quần break trung bình hợp với những anh chàng dáng người hơi đậm, hoặc các anh chàng trẻ tuổi muốn có thêm phần đứng đắn, nghiêm túc trong văn phòng.
Quần full break
Full break chỉ những chiếc quần ống rộng có độ dài che hết phần thân trên của giày. Đây là cách mà các quý ông những năm 20, 30 của thế kỷ trước mặc để chứng tỏ quyền lực. Những chàng trai thực sự cá tính và theo xu hướng vintage, hoài cổ hoàn toàn có thể áp dụng phong cách này nhưng nên nhớ, quần full break tạo cảm giác “già” và chỉ thích hợp nhất cho những ai to con, chắc người.
Cần có những biện pháp để chiếc quần không làm “tăng tuổi” của bạn lên, ví dụ như chàng trai trong ảnh này: blazer màu hồng nhạt và caravat kẻ sọc vàng chính là 2 yếu tố giúp “chống chọi” với chiếc quần full break kẻ màu xám.
Còn bây giờ hãy lục tủ và lấy ra những chiếc quần tây cũ của bạn, mang ra tiệm và nói với thợ may về chiều dài ống quần theo mong muốn của bạn. Chắc chắn bạn sẽ thấy chiếc quần “mới” hơn rất nhiều sau khi chỉnh sửa đấy!
Commenti