top of page
gold_render_edited.png
Ảnh của tác giảTom Goedhart

Những Câu Chuyện Tình Để Lại Dấu Ấn Sâu Sắc

Với tôi, kể từ sau “Her” (2013), Hollywood đã không còn làm nổi bộ phim thuần Romance nào để lại được cảm xúc mạnh và có giá trị bền vững về mặt thời gian. Kỷ nguyên vàng của các phim lãng mạn Hollywood đã chấm dứt, được thay thế bằng phim siêu anh hùng và phim kinh dị.


Nhìn lại mới thấy thập niên 2000 nên được gọi tên là “THẬP KỶ LÃNG MẠN”, với những bộ phim “tình” mà trải qua năm tháng, xem đi xem lại vẫn thấy hay, vẫn thấy một cái gì đó mới cùng sự duyên dáng ở cách kể chuyện. Thập niên 90 trôi qua, thiên niên kỷ mới bắt đầu với những cởi mở về mặt tư tưởng, những khủng hoảng trong xã hội, con người, công nghệ dần tác động nhưng chưa đến mức trở thành một thứ gắn với cuộc sống hàng giờ như hiện nay. Những bộ phim tuyệt vời như “Closer”, “High Fidelity” hay “Eternal Sunshine of the Spotless Mind” đã ra đời trong một bối cảnh thời kỳ như vậy, trở thành những bộ phim mà sau 10 năm, 20 năm xem lại vẫn thấy hay, vẫn có một sức sống thật mãnh liệt.


Thập niên 2000 – thời mà những bộ phim có giá trị nghệ thuật cao và đem lại cảm xúc mạnh mẽ nhất, lại chỉ có thể xem được ở DVD, trên màn ảnh tivi tại nhà, thay vì là rạp chiếu với màn ảnh rộng. Hollywood sau vẫn tạo ra các phim Rom Com, vẫn có những ngôi sao trẻ bước ra từ các phim tình cảm. Chỉ có điều là mọi thứ đã thay đổi theo thời gian.


Ngày nay, concept là một thứ quan trọng và gần như duy nhất, đến mức chỉ cần có một ý tưởng hay là đã có thể đem bán được. Nhưng cái tạo nên sự tinh tế cho mỗi bộ phim là chi tiết và cách kể thì dần bị đi vào một công thức lối mòn. Phim Hollywood giờ nhiều phim nghe qua thì concept rất hay nhưng đến lúc xem thì trơn tuột, chi tiết không đủ mạnh hoặc quá thừa thãi.


Trong khi đó, các bộ phim “tình” của thập niên 2000 nếu nói về nội dung thì đúng là “chẳng có gì”. Hai người yêu nhau chia tay và muốn xóa ký ức về nhau (“Eternal Sunshine of the Spotless Mind”), câu chuyện về tình yêu chứ không phải tình yêu (“(500) Days of Summer”), khủng hoảng tuổi trung niên gặp khủng hoảng tuổi 25 ở một thành phố lạ (“Lost in Translation”)… Tất cả nghe đều có vẻ đơn giản nhưng chính những chi tiết rất nhỏ, cách kể chuyện duyên dáng đã tạo nên sức sống bền lâu cho những bộ phim thế này. Nghỉ dịch ở nhà, xem lại những bộ phim cực hay dưới đây:

Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004) Sẽ thế nào khi một người ta từng yêu cuồng si mê dại bỗng một ngày trở thành kẻ xa lạ trên phố? Jim Carrey và Kate Winslet vào vai một đôi tình nhân gặp nhiều bất đồng trong cuộc sống và quyết định tới một công ty tẩy não để xóa ký ức về người kia… Với bộ phim này thì chẳng cần nói gì nhiều ngoài việc hãy xem, để thấy là ký ức đôi khi có thể cất đi, nhưng lịch sử thì mãi chẳng thể xóa nhòa.

Lost in Translation (2003) Một tài tử hết thời gặp khủng hoảng ở độ tuổi trung niên bất ngờ gặp cô gái trẻ 25 tuổi đang mất phương hướng trong cuộc sống, giữa đại đô thị đông dân nhất thế giới – Tokyo. Bộ phim đưa Scarlett Johansson lên sao hạng A và là một trong những phim hay nhất của cô. Đây cũng là bộ phim mà bất kỳ ai yêu mến thành phố Tokyo nói riêng và Nhật Bản nói chung đều sẽ thấy chữ “tình” ở trong đó.

Punch-Drunk Love (2002) Một doanh nhân trẻ nhút nhát và bị ức chế tâm lý tìm đến dịch vụ thỏa mãn sex qua điện thoại. Đến một ngày, anh gặp được người trong mộng khiến mình lần đầu biết đến cảm giác cuồng say… Hãy quên “50 First Dates” và các phim hài nhảm khác, đây mới là bộ phim “tình” nhất của Adam Sandler, do đạo diễn tài ba Paul Thomas Anderson thực hiện.

(500) Days of Summer (2009) Tình yêu là một cái gì đó đến từ những cảm xúc chân thực của hai trái tim, nó hiện hữu ở xung quanh mỗi chúng ta. Con người ta sẽ yêu nhau rồi lại chia tay nhưng không bao giờ ngừng tìm kiếm tình yêu… Bộ phim này thì đã quen thuộc với bao tín đồ mê phim rồi nên khỏi phải giới thiệu gì nhiều. Bản thân lời giới thiệu đã thể hiện thông điệp quá rõ ràng: “Đây không phải là một câu chuyện tình yêu, đây là một câu chuyện nói về tình yêu”.

High Fidelity (2000) Một gã đàn ông thất bại toàn tập trong tình yêu, sự nghiệp cũng chẳng ra sao. Anh mở cửa hàng bán đĩa than, với nhân viên cũng là 2 gã lập dị. Khi cô bồ mới nhất bỏ đi, anh ta ngồi nghĩ về 5 mối tình đáng nhớ, ứng với Top 5 playlist để tìm ra câu hỏi sao mình bị đá và đàn ông thì nên nghĩ gì về tương lai. Phim dành cho những kẻ thất tình halo để thấy vì sao cứ hay thất bại trong tình yêu. Cách kể duyên dáng cùng diễn xuất của John Cusack.

Sideways (2004) Một bộ phim đã “tình” lại còn có rượu vang. Hai gã đàn ông ở tình trạng độc thân (một vừa ly dị, một sắp cưới) phiêu lưu tới thung lũng nho ở California với mục tiêu khác nhau. Một người mê rượu vang và muốn thưởng thức rượu, một người mê tiệc tùng và muốn tranh thủ nốt trước khi kết hôn. Đã bao giờ bạn nghĩ sẽ để dành một chai rượu thật ngon để mở cho một dịp thật đặc biệt. Nhưng rồi dịp đặc biệt ấy mãi không bao giờ tới… “Sideways” vừa “tình” lại vừa chua chát, như chính cái cảm giác uống rượu khi buồn vậy.

Before Sunset (2004) Còn gì đẹp hơn một buổi chiều vàng Paris, trong một hiệu sách nhỏ. Chàng và nàng gặp lại sau quãng thời gian dài xa cách, cùng nhau đi dạo trong ánh chiều tà… Ở lại hay ra đi là một lựa chọn thật khó! Một câu chuyện tình yêu đong đầy sự dồn nén và lãng mạn.

Nick & Norah’s Infinite Playlist (2008) Nick bị bồ là Tris đá. Norah học chung trường với Tris. Nick thường xuyên làm đĩa cho Tris nhưng Tris vứt đi, Norah hay nhặt về nghe. Norah và Nick chưa từng gặp nhau nhưng vào cái đêm tiệc định mệnh ấy, cả hai đã hòa nhịp trong một “Playlist” lãng mạn nhất. Bộ phim quá dễ thương với diễn xuất của Michael Cera và Kat Dennings, cùng những bài hát “tình bể tình”. Cuộc sống về đêm của thanh niên là nó phải như thế.

Once (2007) Chàng là nghệ sĩ đường phố, nàng là cô gái bán hoa (nghĩa đen) trên phố. Âm nhạc kết nối họ, tạo thành mối quan hệ “trên tình bạn, dưới tình yêu”… Phim kinh phí thấp, chẳng có cảnh nóng mà vẫn đủ “tình”. Hạnh phúc đôi khi lại là những thứ dang dở.

Away from Her (2006) Tình già liệu có còn lãng mạn? Câu trả lời nằm trong bộ phim về một cặp vợ chồng già. Bởi căn bệnh Alzheimer của vợ ngày càng trầm trọng, người chồng đành phải đưa bạn đời vào viện dưỡng lão. Bốn tuần sau, ông trở lại thăm vợ nhưng bàng hoàng khi nhận thấy bà đã quên mất mình, thậm chí còn dành tình cảm cho một bệnh nhân khác… Phim có những lát cắt đầy tinh tế của tình yêu tuổi xế chiều thể hiện trong những chi tiết rất nhỏ xoay quanh những người già. Đôi khi đến tận cuối đời, người ta vẫn còn phải đi tìm những câu trả lời cho tình yêu.

Closer (2004) “Where is the love? I can’t feel it. I can’t touch it. I can’t see it” – Alice. (Tình yêu mà anh nói anh dành cho tôi ở đâu mà tôi không thể cảm thấy, tôi không thể chạm vào. Vậy làm sao để tôi tin rằng nó tồn tại?). Đây là một bộ phim đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tưởng như rất đơn giản. Tình yêu có ở bất cứ nơi đâu ta đi qua nhưng làm thế nào để ta nghe thấy nó, chạm vào nó, bằng trái tim mình? Bộ tứ Natalie Portman, Clive Owen, Julia Roberts và Jude Law tạo nên mối quan hệ tay tư đầy phức tạp trong một bộ phim thoạt nghe có vẻ đơn giản về tình yêu nhưng lại đầy day dứt và “hardcore” về mặt cảm xúc.

Theo Nick M.


0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page